LƯỢC SỬ 350 NĂM DÒNG MẾN THÁNH GIÁ ĐÀNG TRONG - QUI NHƠN
Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn là một Hội dòng nữ thuộc Giáo phận đã hiện diện và phục vụ công cuộc truyền giáo ngay từ sau khi Tòa Thánh thiết lập Địa phận[1] Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo phận, sứ vụ và vai trò của Hội dòng đã để lại những ảnh hưởng và dấu ấn sâu đậm. Hội dòng được thiết lập giữa lòng xã hội Việt Nam với bản chất, đặc sủng, linh đạo và đặc tính phù hợp với bối cảnh mục vụ và truyền giáo trong xã hội Việt Nam.
Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn được sinh ra từ lòng Giáo phận Qui Nhơn nên lịch sử của Hội dòng gắn liền với lịch sử của Giáo phận. Tính đến năm 2021, Hội dòng đã trải qua dòng lịch sử 350 năm. Một chặng đường dài với biết bao biến cố thăng trầm chất đầy nguồn ân sủng yêu thương của Thiên Chúa, cùng bao hy sinh khó nhọc của các bậc tiền nhân và từng chị em trong Hội dòng đã dày công vun xới cho hạt giống Mến Thánh Giá ngày càng tăng trưởng theo thời gian.
Để tìm hiểu về Hội dòng, chúng ta cùng điểm lại những nét chính trong trang sử 350 năm từ khi Hội dòng thành lập tại An Chỉ đến Qui Nhơn.
Đức Cha Lambert de la Motte
Đấng Sáng Lập
(1624-1679)
- DÒNG MẾN THÁNH GIÁ TẠI ĐỊA PHẬN TÔNG TÒA ĐÀNG TRONG
(1671-1844)
Thời kỳ hình thành và củng cố
Tiền thân của Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn hiện nay là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá tại Đàng Trong do Đức cha Pierre Lambert de La Motte, Giám mục Đại diện Tông tòa Tiên khởi của Địa phận Đàng Trong thành lập, nhằm truyền giáo cho lương dân và hướng dẫn người tín hữu tiến tới đời sống trọn lành.
– Cuối năm 1671, Đức cha Lambert de La Motte lập Nhà phước Mến Thánh Giá đầu tiên của Đàng Trong tại An Chỉ – Quảng Ngãi. Lúc đầu chỉ có 8 chị em, người đứng đầu là một phụ nữ 30 tuổi, em gái cha Giuse Trang.
– Năm 1675, Đức cha đã nhận lời khấn của 5 chị em tiên khởi tại Bàu Tây và An Chỉ. Đây là những nữ tu đầu tiên của Địa phận Đàng Trong.
– Từ 1671-1679, tiếp theo sau Nhà phước An Chỉ, một số Nhà phước được thành lập: Nhà phước Diêm Điền (Bình Định) khoảng trước năm 1674; Nhà phước Bàu Tây (Quảng Ngãi) trước năm 1675; Nhà phước Phú Điền (Phú Yên) năm 1675; Nhà phước Bàu Nghè (Quảng Nam) khoảng năm 1676; Nhà phước Lâm Tuyền (Nha Trang) khoảng năm 1676; và Nhà phước Hội An năm 1679.
– Đầu thế kỷ thứ 18, Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong bị ngưng trệ do chủ trương cấm đạo của nhà cầm quyền, nhiều khó khăn từ quan lại, người ngoại giáo. Cơ sở Nhà phước bị tàn phá, các nữ tu không có ai hướng dẫn, phải tản mác khắp nơi.
– Nửa cuối thế kỷ thứ 18, Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong lại phục hồi cách nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ. Dòng được tái thiết và canh tân dưới thời các Đức cha Guillaume Piguel (1764-1771), Đức cha Pierre Pigneau de Béhaine (1771-1799), Đức cha Jean Labartette (1799-1823), Đức cha Étienne Théodore Cuenot (1840-1861),
– Năm 1830, Đức cha Jean Louis Taberd đã đưa hai nữ tu Mến Thánh Giá Đàng Trong là dì Tìm và dì Tạ từ Bình Định vào lập tu viện Mến Thánh Giá tại Tân Triều (Biên Hòa). Ít lâu sau ngài lại đưa dì Mì và dì Sang cũng từ Bình Định vào lập tu viện Mến Thánh Giá khác tại Lái Thiêu.
- DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
TẠI ĐỊA PHẬN TÔNG TÒA ĐÔNG ĐÀNG TRONG (1844-1924)
Thời kỳ thử thách và phát triển
Quá trình tăng trưởng của Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong luôn gắn liền với nhịp tăng trưởng của các Địa phận. Năm 1844, Địa phận Đàng Trong được phân chia thành Đông Đàng Trong và Tây Đàng Trong. Năm 1850, Địa phận Bắc Đàng Trong được thành lập từ Địa phận Đông Đàng Trong. Chính các Nhà phước nằm trên phần đất của Địa phận Đông Đàng Trong đã làm nên Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn ngày nay.
– Năm 1850 Địa phận Đông Đàng Trong có 6 Nhà phước với khoảng 120 nữ tu; Địa phận Tây Đàng Trong có 6 Nhà phước với 160 nữ tu; Địa phận Bắc Đàng Trong có 8 Nhà phước với khoảng 300 nữ tu.
– Tại Đông Đàng Trong, trong cuộc bách hại dưới triều Tự Đức, có khoảng 100 nữ tu được diễm phúc bước theo Chúa Kitô trên con đường thánh giá qua cuộc tử đạo, trong đó có nữ tu Anê Soạn, quê ở Diêm Điền, Bình Định, và nữ tu Anna Trị, quê ở Dinh Thủy, Phan Rang. Cả hai nữ tu Anê Soạn và Anna Trị bị xử giảo tại pháp trường Phan Rí vào năm 1862. Ngày 13.11.1918 Tòa Thánh ban hành Sắc lệnh thành lập hồ sơ phong Chân phước, công bố 20 vị tử đạo của Địa phận Tông tòa Đông Đàng Trong lên hàng Tôi tớ Chúa. Dòng Mến Thánh Giá vinh dự có hai vị Tôi tớ Chúa là nữ tu Anê Soạn và Anna Trị.
– Trong cuộc bách hại của phong trào Văn Thân năm 1885, có 270 nữ tu đã chết vì đạo trong Địa phận Đông Đàng Trong, và nhiều người phải tản mát, do bị Văn Thân sát hại, hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn trong rừng thiêng nước độc.
– Dưới thời Đức cha Damien Grangeon Mẫn [1902-1930] công cuộc truyền giáo được đẩy mạnh trong toàn Địa phận. Năm 1905, Đức cha đã cho in “Bổn luật Các Nhà phước Địa phận Bình Định” nhằm thống nhất việc đào tạo và cơ cấu điều hành của các Nhà phước Mến Thánh Giá trong Địa phận.
– Năm 1919, toàn Địa phận Đông Đàng Trong có 11 Nhà phước: Phú Thượng, Trà Kiệu, Cù Và, Gia Hựu, Đại An, Gò Thị, Làng Sông, Mằng Lăng, Bình Cang, Dinh Thủy và Kon Tum với gần 300 nữ tu.
Như vậy, từ Nhà phước An Chỉ đầu tiên đến sự hình thành, củng cố, tăng trưởng và tồn tại của 11 Nhà phước với gần 300 nữ tu của Địa phận Đông Đàng Trong vào năm 1919, là một quá trình dài của thử thách, của ân sủng và tình yêu của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Tại mỗi Nhà phước này có sự kế thừa và chuyển tiếp như một cầu nối giữa Dòng Mến Thánh Giá cũ với Dòng Mến Thánh Giá cải tổ, tức Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn hiện nay.
- DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN (1924-2021)
Thời kỳ cải tổ và thích nghi
3.1. Giai đoạn 1924 – 1975
Chính trong bối cảnh của Địa phận Qui Nhơn đang được tái thiết và dần dần mở rộng hoạt động truyền giáo trong các lãnh vực, năm 1920, Đức cha Damien Grangeon Mẫn đã quyết định cải tổ các Nhà phước Mến Thánh Giá trong Địa phận thành một Hội dòng phù hợp hoàn cảnh và nhu cầu mới, đúng như tiêu chuẩn của Giáo luật năm 1917. Đức cha ủy nhiệm cho linh mục Jean Baptiste Solvignon (cố Lành), cha sở Gò Thị, trọng trách điều hành chương trình cải tổ này.
- Năm 1922, cố Lành khởi công xây dựng cơ sở Nhà Mẹ trên phần đất của Nhà phước Gò Thị. Tháng 3 năm 1924, Nhà Mẹ hoàn thành và được làm phép ngày 21 tháng 5 năm 1924. Cùng với việc xây dựng cơ sở, cha Solvignon còn lo soạn thảo Nội qui, chuẩn bị việc khai mở lớp huấn luyện đầu tiên.
- Năm 1924, khai mở lớp Đệ tử viện đầu tiên (thời ấy gọi chung là nhà tập) do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres giúp huấn luyện là nữ tu Marie de Lorette (Pháp), nữ tu Gabrielle (Việt), nữ tu Ernestine (Việt).
- Ngày 03 tháng 12 năm 1924, Địa phận Đông Đàng Trong được đổi tên thành Địa phận Qui Nhơn. Từ đó Hội dòng được cải tổ mang tên là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá ở Địa phận Qui Nhơn, tức là Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn hiện nay.
- Ngày 02 tháng 3 năm 1929 Thánh Bộ Tu viện đã ban sắc chuẩn y “Bản tâu xin lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá Địa phận Qui Nhơn” của Đức cha Grangeon Mẫn. Đây không phải là một Hội dòng mới, mà vẫn là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá như trước, nhưng có lời khấn theo Giáo luật.
- Ngày 22 tháng 8 năm1929, lễ khấn tạm đầu tiên cho 14 tập sinh cử hành tại Nhà Mẹ Gò Thị.
- Ngày 14 tháng 9 năm 1932, Đức cha Augustin Tardieu Phú chính thức ban “Chỉ thị lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá ở Địa phận Qui Nhơn”.
– Ngày 01.11.1933, bão lớn làm cho Nhà Mẹ Hội dòng sụp đổ tan tành, 10 chị em bị chết và 10 chị em khác bị thương nặng, sau được chữa lành. Cha Solvignon Lành cũng như cha Phaolô Bàn, phó sở, tận lực giúp đỡ Hội dòng trong cơn hoạn nạn này.
- Ngày 23.3.1935, cha Solvignon (Cố Lành) Bề trên tiên khởi của Hội dòng qua đời, an táng tại nghĩa trang Tu viện Gò Thị (Bình Định).
- Ngày 22.8.1935, lễ khấn trọn đầu tiên của Hội dòng cho 11 nữ tu tại nguyện đường Nhà Mẹ Gò Thị do Đức cha Augustin Tardieu Phú chủ lễ.
- Ngày 18.5.1940, Mẹ Marie de Lorette quyền Bề trên (1935-1940) kiêm Giám sư Tập viện tiên khởi Hội dòng qua đời. Hội dòng bắt đầu giai đoạn có cơ cấu quản trị đồng đoàn, Bề Trên Việt Nam tiên khởi là Mẹ Maria Mélanie Nguyễn Thị Đồng và Ban Cố vấn điều hành Hội dòng.
- Năm 1958, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi cho hợp nhất 6 Nhà phước Mến Thánh Giá: Phú Thượng và Trà Kiệu tại Quảng Nam, Cù Và tại Quảng Ngãi, Gia Hựu và Làng Sông tại Bình Định, Mằng Lăng tại Phú Yên thành một Hội dòng dưới sự điều hành chung của Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Kể từ đây, trong toàn Địa phận chỉ có một Dòng Mến Thánh Giá.
- Năm 1958, để giúp Hội dòng phát triển trong chiều hướng mới của toàn thể Địa phận: truyền giáo qua học đường và công tác xã hội, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi xây cho Hội dòng một cơ sở mới để làm trung tâm huấn luyện, là trung tâm Trinh Vương Qui Nhơn tọa lạc tại 494 Gia Long, thị xã Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.
- Năm 1965, vì chiến tranh Nhà Mẹ Gò Thị di tản về trung tâm Trinh Vương Qui Nhơn. Năm 1966, được phép Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn, Nhà Mẹ Hội dòng chính thức được đặt tại Trung tâm Trinh Vương Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, ngày nay là 130 Trần Hưng Đạo, thành phố Qui Nhơn.
3.2. Giai đoạn 1975 – 2021
- Sau năm 1975, Hội dòng chuyển giao các trường học và cơ sở xã hội – từ thiện cho Nhà nước quản lý. Trung tâm Trinh Vương cũng đã chuyển giao mặt trước, Nhà Mẹ Hội dòng chỉ còn lại cánh trái và khu vực phía sau. Để thuận tiện trong việc liên lạc, Hội dòng lấy địa chỉ: 132 Trần Hưng Đạo, thành phố Qui Nhơn (Nhà sách Trinh Vương). Toàn thể Hội dòng chuyển sang lao động canh tác ruộng rẫy, chăn nuôi; tổ hợp mành trúc, tổ hợp đan mây; sản xuất văn phòng phẩm, làm bánh và tiểu thủ công nghiệp như: đan giỏ, dệt chiếu, dệt vải, chằm nón, thêu đan …
– Từ năm 1995, các cộng đoàn của Hội dòng trở lại công tác giáo dục, thành lập các Nhà trẻ và trường Mẫu giáo; chăm sóc cô nhi; đặc trách nhiều công tác mục vụ tại các giáo xứ.
– Cùng với các Hội dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam thực hiện cuộc trở về nguồn và canh tân luật dòng theo Giáo luật 1983, từ năm 1997- 2011, Hội dòng thử nghiệm sống theo Hiến Chương chung Dòng Mến Thánh Giá do Ban nghiên cứu linh đạo Mến Thánh Giá biên soạn. Trong thời gian thử nghiệm, Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tu chính Hiến Chương riêng của Hội dòng.
– Ngày 08.8.2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn phê chuẩn Hiến Chương Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và ngày 22.8.2011 chị Tổng Phụ trách Anna Maryline Phạm Thị Bích Hường ban hành Hiến Chương và trao đến từng chị em như một quà tặng quý báu mà Thiên Chúa và Hội dòng đã ân trao.
– Ngày 14.9.2011, thành lập Học viện Têrêxa Avila huấn luyện các khấn sinh tạm của Hội dòng.
– Ngày 25.11.2011 thành lập Tỉnh dòng Thừa Sai Hoa Kỳ với danh xưng: Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn – Tỉnh dòng Thừa sai Hoa kỳ. Trụ sở Nhà chính Tỉnh dòng được đặt tại 1685 Humphrey Dr., Concord, CA 94519, Giáo phận Oakland, USA.
– Ngày 02.3.2014, tổ chức thánh lễ Tạ ơn 85 năm nhận sắc chỉ thành lập và thiết lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế.
– Ngày 06.8.2019 – 06.8.2020, cùng với Đại gia đình Mến Thánh Giá, Hội dòng cử hành Năm thánh mừng kỷ niệm 350 thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam.
– Ngày 08.12.2020, Hội dòng hân hoan khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 350 thành lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong – Qui Nhơn. Năm thánh bế mạc vào ngày 08.12.2021. Đây là thời gian mang nhiều ý nghĩa để toàn thể Hội dòng nhìn lại lịch sử của mình; là cơ hội để dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ, tri ân các bậc tiền nhân, quý ân thân nhân, bắt đầu một giai đoạn mới trong hành trình phục vụ và loan báo Tin Mừng theo đặc sủng Mến Thánh Giá.
Từ năm 1940 đến năm 2020, Hội dòng đã có 21 Hội nghị Dòng với 9 thời Bề trên. Hiện nay, Hội dòng đang phục vụ ở 16 Giáo phận tại Việt Nam và hải ngoại gồm 76 cộng đoàn và 510 khấn sinh, 31 tập sinh, 14 tiền tập, 19 thanh tuyển và 210 dự tu.