350 Năm Hồng Ân
Ngày 04 tháng 12 năm 2021, Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn – Tỉnh Dòng Thừa Sai Hoa Kỳ Mừng Kỷ Niệm 350 Năm Thành Lập Dòng. Nhìn lại cuộc hành trình, các nữ tu MTG hoan hỉ mừng vui, cảm tạ Thiên Chúa thương ban cho Hội dòng muôn hồng ân và tri ân các bậc tiền nhân đã trung thành sống theo đặc sủng và linh đạo của Đấng sáng lập và được sự hỗ trợ của qúy ân thân nhân trong hành trình tận hiến.
Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn được thành lập tại An Chỉ – Quảng Ngãi, Việt Nam. Đức Cha Lambert de la Motte, vị đại diện tông tòa đầu tiên của miền Nam Việt Nam, thành lập nhà phước Mến Thánh Giá đầu tiên của Đàng Trong tại An Chỉ – Quảng Ngãi năm 1671 để truyền giáo cho các lương dân và hướng dẫn các tín hữu sống đời hoàn thiện Kitô giáo. Nhà phước tiên khởi gồm có tám nữ tu, cộng đoàn được phát triển và gia tăng nhân sự. Có thêm các nhà phước được thành lập tại Đàng Trong Việt Nam. Năm 1850, Địa phận Đàng Trong được chia thành hai giáo phận: Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong. Giáo phận Đông Đàng Trong có sáu nhà phước với khoảng 120 nữ tu.
Khi Giáo phận Qui Nhơn được thành lập năm 1924, các nhà phước này được chính thức trở thành Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Đức Cha Damien Grangeon quyết định cải tổ các nhà phước Mến Thánh Giá trong Địa phận thành một Hội dòng phù hợp hoàn cảnh và nhu cầu mới, và nhận lời khấn dòng theo Giáo luật 1917.
Năm 1972, hai nữ tu MTGQN được gửi đi du học tại San Francisco. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, các nữ tu không thể trở về quê hương xứ sở của họ. Các nữ tu bị mất hết liên lạc với nhà Mẹ tại Việt Nam. Các nữ tu lo lắng mong đợi tương lai với niềm hy vọng, họ đã sống chứng nhân Tin Mừng qua việc phục vụ đoàn người Việt Nam tị nạn đến Vùng Vịnh. Các nữ tu dấn thân phục vụ cho người đồng hương tị nạn Việt Nam tại bệnh viện và giáo xứ có cộng đoàn Việt Nam tại Tổng Giáo phận San Francisco. Một nữ tu phục vụ chương trình giáo lý cho Cộng đoàn Việt Nam tại San Jose.
Năm 1986, cộng đoàn đầu tiên của Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn ở Hoa Kỳ được thành lập tại thành phố Daly City thuộc Tổng Giáo phận San Francisco.
Năm 1993, Đức Cha John Cummins, Giám mục Giáo phận Oakland mời các nữ tu Dòng MTG đến phục vụ trong giáo phận của ngài. Với số lượng ơn gọi gia tăng, Tập viện MTGQN được thành lập năm 1994 và Tu viện Thanh Tuyển được thành lập năm 1995, để đào tạo các nữ tu. Các nữ tu phục vụ trong các lãnh vực như Chương trình Giáo lý-Việt ngữ, mục vụ thăm viếng bệnh nhân, phục vụ tại viện dưỡng lão và ngành giáo dục.
Các hoạt động tông đồ của Hội dòng được mở rộng và năm 1998 Hội dòng được sự chấp thuận của Đức Cha Patrick McGrath, Giám mục Giáo phận San Jose, cho phép các nữ tu MTG phục vụ trong Giáo phận San Jose. Các nữ tu phục vụ tại Giáo xứ: Thánh Maria Goretti (năm 1998), Giáo xứ Chúa Ba Ngôi (năm 1998), Giáo xứ Chúa Kitô Vua (năm 2010) và Giáo xứ Đức Bà Chốn Tựa Nương (năm 2012). Các nữ tu phục vụ trong các lãnh vực: Chương trình Giáo lý-Việt ngữ, mục vụ giới trẻ, thăm viếng bệnh nhân và Hội Cao niên. Các nữ tu cũng làm việc tông đồ thăm các tù nhân và dạy mần non.
Với sự phát triển của Cộng đoàn Hải ngoại, Phụ trách Chi Hoa Kỳ đệ trình Nhà Mẹ Việt Nam Đơn xin thiết lập Tỉnh Dòng Thừa Sai Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2009. Đơn thỉnh cầu đã được Hội Dòng chấp thuận cho phép thành lập Tỉnh Dòng Thừa Sai Hoa Kỳ. Trụ sở nhà Chính của Tỉnh dòng tại Giáo phận Oakland.
Hơn ba trăm năm sau ngày thành lập Dòng, các nữ tu MTGQN tiếp tục thi hành sứ mệnh được giao phó với một tình yêu phi thường dành cho Chúa Kitô Chịu Đóng đinh giữa cộng đoàn dân Chúa và thể hiện tinh thần đã được Đức cha Lambert truyền đạt. Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cử hành Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh, các nữ tu cất lời ca tụng: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).
Thánh Lễ Năm Thánh Trực Tuyến
Mừng 350 Năm Thành Lập Dòng
Suy Niệm & Cầu Nguyện
“Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6, 63b).
"Nét Đẹp" Đời Thánh Hiến
Nét đẹp của sự chân thật, đơn sơ, khiêm tốn, giản dị, yêu thích trầm lặng, quên mình phục vụ vì lợi ích tha nhân…
vẻ đẹp làm nên đặc tính của người nữ tu Mến Thánh Giá[5].
Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp, có lúc là nét đẹp tự nhiên của những cảnh vật: nét đẹp của hạt sương long lanh đọng trên chiếc lá, nét đẹp đơn sơ của những bông hoa dại ven đường, nét đẹp của con ong chăm chỉ đi hút mật thụ phấn cho hoa…, vẻ đẹp rạng ngời của ánh nắng ban mai, vẻ đẹp huyền bí của ánh sao đêm hay vành trăng khuyết của ngày đầu tháng, nét đẹp hút hồn của bãi biển trong xanh, êm ả cho con thuyền lướt sóng… Nét đẹp tinh thần là lòng bao dung hy sinh, là tình yêu thương. Nét đẹp có lúc là một nụ cười, một cái bắt tay, một lời hỏi thăm.…”[1]. Tất cả đều làm cho cuộc sống trở nên phong phú, tươi đẹp biết bao.
Còn một nét đẹp thanh cao, nét đẹp đáng được trân quý diễn tả nơi tâm hồn của người sống đời thánh hiến mà Đức Thánh Cha Phanxicô trong dịp cử hành ngày đời sống thánh hiến năm 2020 đã nêu lên trong bài chia sẻ của ngài “ Nếu đứng vững trong tình yêu của Chúa, tu sĩ sẽ thấy được vẻ đẹp đời thánh hiến”, trước khi khẳng định về nét đẹp tiềm ẩn cần phải trau dồi và phát huy nơi đời sống tu trì. Đức Thánh Cha gợi lại những ưu tư, cảnh báo về cái nhìn theo thế tục, cám dỗ đang đe dọa đời sống của người tu sĩ. “Có một cám dỗ treo lơ lửng trên đời tu: đó là cám dỗ về một cái nhìn trần tục. Sự cám dỗ này vẫn luôn lơ lửng trước mắt làm cho người tu sĩ không còn nhận ra ân sủng của Thiên Chúa như là nhân tố chính yếu của đời thánh hiến, nên họ đi tìm kiếm những điều thay thế như một chút thành công, một niềm an ủi trìu mến hoặc đi tìm kiếm những gì hợp với sở thích riêng mình. Khi đời sống thánh hiến không còn xoay quanh ân sủng của Thiên Chúa nữa, thì nó sẽ quay trở lại với bản ngã của mình. Lúc ấy, đời sống mất đi động lực, ngả về phía sau và ra trì trệ. Và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đó là sự đòi hỏi quyền lợi cách vô hạn, trái tim co lại, không còn nhận ra Chúa trong mọi sự mà chỉ còn thấy thế gian với sự năng động và hấp dẫn của nó”. Ngài nhắc nhở người tu sĩ về một nét đẹp cần thiết thiết đó là:“Thấy nghèo khó không phải là một nỗ lực vĩ đại, mà là một sự tự do vượt trội, mang lại cho chúng ta chính Thiên Chúa và người khác, như một sự giàu có thực sự. Thấy khiết tịnh không phải là một sự cằn cỗi do không có con cái, mà là cách để yêu mà không cần sở hữu. Thấy vâng phục không phải là kỷ luật, mà là chiến thắng tình trạng hỗn loạn của chúng ta theo cách của Chúa Giêsu”[2]. Điều này còn được Hiến chương dòng Mến Thánh Giá dạy như sau: “ Việc cam kết thi hành các lời khấn khiết tịnh, nghèo khó, vâng lời là hành vi đáp trả tình yêu của Chúa Cha, sẵn sàng bước theo Đức Kitô dưới tác động của Chúa Thánh Thần” [3].
Đọc lại Hiến chương, liên kết với lời khuyên của vị cha chung trong lúc này, cho chúng ta thêm một lần xác tín nét đẹp của đời mình là vẻ đẹp Ân Sủng, nét đẹp mà đời sống thánh hiến mang lại cho bản thân và cho Giáo Hội.“Trên thế gian này, không gì bằng vẻ đẹp của một linh hồn sống trong ân sủng”(Thánh Catarina Siena).
Cuộc sống của chúng ta là hành trình tìm đến cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp bất biến là chiếm được Thiên Chúa. Và trong hành trình này mỗi người còn phải phô diễn nét đẹp Thiên Chúa ban cho trong hành trình cuộc sống. Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được ca tụng là “Đấng Thánh duy nhất”, “đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”[4]. Với mỗi tu sĩ, Giáo hội mời gọi “Hãy chăm lo để luôn bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã trao ban, và thăng tiến luôn mãi để làm cho sự thánh thiện của Giáo hội nên phong phú hơn” LG 47. Vì thế khi cảm nghiệm một lối sống qua việc thực hành những lời khuyên Phúc Âm là một tặng phẩm của Thiên Chúa mà Giáo hội nhận lãnh từ Chúa Giêsu; là một ân huệ của Ba Ngôi Chí Thánh thì tu sĩ không thể không cảm thấy đây là một niềm vui! Nét đẹp của người sống đời thánh hiến là hiện tại hóa nét đẹp luôn thuộc về Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người để rồi người tu sĩ thể hiện trong đời sống của mình niềm vui thuộc trọn về Đức Giêsu, luôn ở trong tình yêu của Người “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”(ĐTC Phanxicô).
Với những gợi ý của Đức Thánh Cha về những cám dỗ và nét đẹp của người sống đời thánh hiến. Chúng ta nhìn nhận nét đẹp của người nữ tu Mến Thánh Giá là dành tình yêu duy nhất cho Chúa Cha và nhân loại theo gương Đức Kitô. Khi được mời gọi dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, chúng ta đáp trả bằng tình yêu của một con tim thanh thoát, vui tươi, quảng đại. “Người ta trở nên đẹp khi yêu mến Thiên Chúa” (Thánh Augustinô).
Mừng Năm Thánh 350 năm Hội dòng được khai sinh trên quê hương Việt Nam thân thương, tạ ơn Chúa đã trao tặng cho Hội dòng nhiều hồng ân lớn lao. Đây là cơ hội để chị em Mến Thánh Giá hậu thế có thêm động lực, thêm khích lệ để tiếp tục khám phá những “nét đẹp” mà tiền nhân đã để lại. Nét đẹp của sự chân thật, đơn sơ, khiêm tốn, giản dị, yêu thích trầm lặng, quên mình phục vụ vì lợi ích tha nhân… vẻ đẹp làm nên đặc tính của người nữ tu Mến Thánh Giá[5]. Nét đẹp này làm nên lễ dâng “ Tình yêu” Thiên Chúa ưa thích, Giáo hội vui mừng và con người mọi thời mong đợi. Vì thế, đừng bao giờ chúng ta làm lu mờ những dấu ấn thánh thiêng mà Thiên Chúa đã khắc ghi nơi mỗi chị em chúng ta, đừng đánh mất nét đẹp mà Đấng Sáng lập mong muốn những người con tinh thần của ngài thể hiện trong đời sống. Sống và phô diễn “nét đẹp” ấy trong đời thường sẽ trở nên chứng nhân cho Đức Kitô. Tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Kitô qua phong cách nết na, đức hạnh, tài khéo của người phụ nữ Á Châu khi Đức cha Lambert tiếp nhận “Đặc Sủng” của Hội dòng qua những lần được linh ứng và trao lại cho chúng ta.
Ôn lại nét đẹp của người sống đời thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá trong dịp mừng 350 năm thành lập Hội dòng, không phải là lúc để bàn về một cuộc khảo cổ di tích lịch sử, hay hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của các thế hệ đi trước; rồi lượm lặt, góp nhặt thêm một chút cảm hứng, nhưng là để làm mới lại căn tính đời tu của mỗi người. Để tìm lại những nét đẹp bền vững làm nên giá trị “bản chất” Hội dòng mà các chị em mến Thánh Giá tiên khởi đã sống và thực thi trong suốt thời gian qua.
Tìm lại “nét đẹp đời thánh hiến” của người nữ tu Mến Thánh Giá còn là phương cách để mỗi người tu sĩ hôm nay ý thức “Đặc Sủng”của Dòng mình đã được sống thế nào theo dòng thời gian. Đâu là những sáng tạo, thích ứng mà chị em các thế hệ trước đã được Thần Khí thôi thúc để rồi từng bước cải tổ, canh tân làm cho Hội dòng được tồn tại và phát triển. Những khó khăn tiền nhân đã phải đương đầu và đã vượt qua như thế nào? Và…đọc lại “nét đẹp đời thánh hiến” trong dịp này còn giúp chúng ta khám phá những giai đoạn, những thời kỳ có thể đã lãng quên một vài khía cạnh căn bản của “Đặc sủng” hoặc đã bị mất thăng bằng, nghiêng lệch trong “Sứ mạng” Tông Đồ… hôm nay nhìn lại, có thể chúng ta cũng đang làm lu mờ những nét đẹp cần phải phát huy, những nét đẹp đang bị đánh mất, không tô điểm thêm nên nó sẽ bị mai một trong tương lai rất gần… Tất cả là bài học và là lời mời gọi hoán cải, nỗ lực canh tân.
Sống hồng ân Năm Thánh, Ân Sủng Chúa đang tuôn chảy dạt dào trên từng người, từng cộng đoàn, chúng ta hãy để cho tình yêu Thiên Chúa được lớn lên trong chúng ta bởi vì, “Tội lỗi làm nhơ bẩn linh hồn, nhưng khi yêu mến Thiên Chúa, linh hồn tìm lại được vẻ đẹp đầu tiên… Tình yêu Thiên Chúa càng lớn lên trong bạn, vẻ đẹp càng tỏ hiện trong đó, là vì “bác ái là vẻ đẹp của linh hồn” (Thánh Augustinô ).
Xin Thiên Chúa là vẻ đẹp luôn mới, cuốn hút chúng ta về phía Người, để với Ân Sủng của Năm Thánh hồng ân này, mỗi chúng ta làm mới lại vẻ đẹp nguyên khôi của buổi ban đầu tạo dựng, của buổi bình minh ngày khai sinh Hội dòng, vẻ đẹp thần linh Chúa ban cho Đấng Sáng lập, vẻ đẹp thanh khiết của người tu sĩ luôn đứng vững trong tình yêu của Chúa. Để dầu Năm Thánh hồng ân có qua đi, sự kiện lịch sử mừng 350 năm thành lập Hội dòng có lùi vào quá khứ thì “nét đẹp căn tính” của người sống đời thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá vẫn luôn luôn mới, luôn luôn phù hợp với mọi thời đại. “Nét đẹp” vượt thời gian là nét đẹp của sự thánh thiện.“Sự thánh thiện không bao gồm việc không sai lầm hoặc không phạm tội. Sự thánh thiện làm tăng khả năng hoán cải, sám hối, sẵn sàng bắt đầu lại, đặc biệt là hòa giải và tha thứ… Như vậy, điều đó không phải là chúng ta không bao giờ sai lầm mà là có thể hòa giải và tha thứ, đó là điều làm cho chúng ta nên thánh. Chúng ta có thể học cách sống thánh thiện”. (Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI)
Nt. Anna Lê
- x . Lời bài hát Nét đẹp
- https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-02/dtc-cu-hanh-ngay-doi-song-thanh-hien.html
- Hiến chương dòng MTG Qui Nhơn Điều 10/2
- Ep 5,25-27; GH 39
- Hiến chương Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn Điều 5/2
Chiêm Ngắm Chúa Giêsu Trên Thánh Giá Để Sống Giới Răn Yêu Thương
Xin Chúa mở rộng tim con, khai thông khối óc để chúng con nghe, cảm nhận sâu sắc lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu, để từ bài học của con đường khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, chúng con yêu Chúa nhiều hơn, dấn thân hơn, hy sinh hơn cho sứ mạng mà Chúa đặt để nơi mỗi người trong sứ mạng chung của Hội dòng nơi đời sống thánh hiến của chúng con.
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Ba Ngôi, giây phút đầu tiên của ngày mới chúng con được thôi thúc tìm đến với nguồn sức sống của đời mình là chính Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ vì muôn hồng ân Chúa đã ban cho chúng con. Đặc biệt, nhờ công trình cứu chuộc của Đức Giêsu, nhân loại được giải thoát khỏi xích xiềng của bóng đêm tội lỗi, hơn thế nữa Người đã Phục Sinh để phục hồi sự sống cho mỗi người trong chúng con. Từ nay Chúa Giêsu Kitô phục sinh luôn đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường cuộc sống dù mắt phàm không thấy nhưng niềm tin mách bảo chúng con niềm xác tín đó. Đấng quyền năng, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian: “Con có lên trời, Chúa đang ngự đó. Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139, 8).
Lạy Chúa Thánh Thần, trước tình yêu vô biên của Ba Ngôi dành cho mỗi người mỗi cách đặt biệt không ai giống ai. Và mỗi người cảm nhận tình yêu Chúa dành cho cũng thật khác nhau. Chương trình, kế hoạch Chúa dành cho mỗi người cũng không giống nhau… Xin Chúa mở rộng tim con, khai thông khối óc để chúng con nghe, cảm nhận sâu sắc lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu, để từ bài học của con đường khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, chúng con yêu Chúa nhiều hơn, dấn thân hơn, hy sinh hơn cho sứ mạng mà Chúa đặt để nơi mỗi người trong sứ mạng chung của Hội dòng nơi đời sống thánh hiến của chúng con.
Đọc Tin Mừng: Ga 15, 12-17
Suy niệm:
Đức Giêsu vừa mới nói với chúng ta qua Tin Mừng thánh Gioan, chúng ta cần phải trung thành tuân giữ các điều răn của Người, để ở trong tình thương của Thiên Chúa.
Ta có thể hỏi, điều đó có ý nghĩa như thế nào? đâu là việc cần thi hành cách cụ thể. Đức Giêsu chỉ dẫn cho ta. “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Nhưng điều đó còn giản đơn hơn ta tưởng: bởi vì Người không dùng số nhiều (các điều răn của Thầy) mà dùng số ít (một điều răn duy nhất). Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.
Đây là điều răn của Người, điều răn Chúa lưu tâm nhất.
Khi con yêu tha nhân, con đang làm điều Chúa quan tâm nhất. Yêu thương ! yêu thương !
Đối với chị, tôi, yêu thương là gì?
Tình yêu mà tôi trao tặng được diễn tả ra sao?
Tình yêu đó mang hình thức nào?
Những người chung quanh tôi chờ đợi tôi điều gì, thái độ của tôi đối với những người chung quanh, gia đình, cộng đoàn, Hội dòng, giáo xứ, công việc và các tương quan xã hội?
Chúa mời gọi chúng ta yêu Chúa và yêu cầu chúng ta yêu thương tới mức độ “ Yêu Như Thầy đã yêu thương anh em”. Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.
Yêu đến hy sinh mạng sống, Chúa Giêsu đã tự hiến mình làm mô hình yêu thương. Chúa đã trao hiến tất cả. Chúa đã hy sinh mạng sống mình. Chúa đã không giữ lại gì cho Chúa. Mức độ của tình yêu, đó chính là thập giá.
Chúng ta cùng dành chút thời giờ để chiêm ngắm Chúa trên thánh giá. Ngắm nhìn Chúa “tiếp tục hy sinh hiến tế mạng sống vì tình yêu”.
Là người môn đệ mang danh hiệu “yêu mến Thánh Giá”, chúng ta noi gương Chúa thế nào, nếu chính Chúa không yêu thương chúng ta và chúng ta không cảm nhận được tình Chúa yêu thương mỗi người.
Một trong những biểu hiện của tình yêu là chia sẻ, cho đi cái mình đang cảm nhận, cái mình đang sở hữu. Yêu mà dửng dưng bàng quang, yêu mà cứ sống chủ nghĩa “mặc kệ nó” là yêu không có tình (yêu mình, yêu đơn phương, yêu ích kỷ). Yêu mà không mảy may xúc động trước những thao thức, ước muốn của người mình yêu thì chẳng thể nào gọi là yêu được. Tình yêu mà chẳng có chút rung động, cảm thông, quan tâm, chia sẻ thì chẳng bao giờ là yêu.
Trước khi bước vào đường khổ giá, Chúa Giêsu đã không để lại khối tài sản có thể liệt kê, cũng chẳng để lại số tài khoản kết xù có thể giải mật, mà chỉ để lại tâm tư của lời trăn trối, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Yêu thương như Chúa đã yêu, đó là phương thế hữu hiệu giúp mỗi người chúng ta sống đời chứng nhân cách đích thực. Trong đời sống chung nơi cộng đoàn, chân thành yêu thương là cách thức giúp nhau sống và mình chứng cho con người mọi thời về giá trị của cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống trường sinh con người đang tìm kiếm.
Không biết qui về Chúa tình cảm của mình, người tu sĩ sẽ bị chi phối bởi những điều thuộc về thế gian, đời sống sẽ bị khập khiễng. Không dồn nghị lực yêu thương để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tha nhân, chúng ta sẽ có nguy cơ tìm lại mình, sống ích kỷ , chỉ lo cho bản thân, trốn tránh trách nhiệm, sợ điều này điều kia, sợ thua thiệt, kém cỏi hơn người… dẫn đến thái độ xét nét, khô khan, cáu kỉnh, tàn nhẫn, đóng khung, giấu giếm, thiếu cởi mở, không thành thật, thiếu chân thành .
Về phần mình, chúng ta đã hân hoan quảng đại đáp lại lời mời gọi “ Yêu Như Thầy đã yêu thương anh em” trong nếp sống cộng đoàn thánh hiến. Chắc chắn lời đáp trả ấy không phải tạm thời, nói một lần thay cho tất cả nhưng là sống và thực hiện cho đến chết.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá là một lần làm mới lại quyết tâm sống chết cho tình yêu dành cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại. Lý tưởng sống của chúng ta thật cao cả, chỉ có điều chúng ta không muốn vươn đến sự cao cả mà chấp nhận lối sống tầm thường, để rồi chúng ta chưa dám yêu như thầy đã yêu, chưa dám sống và thực thi điều mình lãnh nhận, điều mình thề hứa.
Giây phút quý báu này, chúng ta xin Chúa trợ giúp mỗi người sống tình con thảo như Chúa Giêsu đã sống với Chúa Cha. Ngài sống tình của người con bằng việc luôn tuân phục ý Cha, theo như cách Ngài nói: “Lương thực của Thầy là thi hành Thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34). Thánh ý của Cha là muốn Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu của Cha cho nhân loại. Để thực hiện điều này Chúa Giêsu đã yêu nhân loại bằng một tình yêu mãnh liệt: “chết cho người mình yêu” (x. Ga 15, 13), một tình yêu dâng hiến trọn vẹn.
Chúng ta nhận thấy tình yêu tròn đầy của Chúa Giêsu không làm cho nhân cách của Ngài bị gò bó, sút giảm, trái lại, nó triển nở tròn đầy và trao hiến thật quảng đại. Phong cách nhẹ nhàng, điềm đạm, vui tươi biết đón nhận và trao ban trong tự do đối với mọi hạng người là nét độc đáo nơi con người Chúa Giêsu.
Cùng học với Đức Giêsu để được yêu và yêu như Ngài, một lối sống tận hiến cho Thiên Chúa vì một tình yêu và một mục đích cao cả, chúng ta hãy sống theo lời khuyên của thánh Phaolô “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Có thể nói rằng đời sống tu trì của người nữ tu Mến Thánh Giá là một cuộc đời được chọn vì tình yêu và để yêu theo mẫu gương của Đức Giêsu, Đấng là mục tử nhân lành đã hiến mình vì đoàn chiên. Vì vậy, tôi tiếp tục được mời gọi để sống tình yêu mà tôi đã chọn và sống bình an hạnh phúc trong đời sống mà tôi đã hằng tâm niệm “ Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”.
Lời nguyện kết :
Lạy Chúa Giêsu, Chúa khao khát tình yêu và khát các linh hồn. Chúng con muốn hòa nhịp với nhịp đập từ trái tim Chúa, chúng con cũng khao khát sống tình yêu và chia sẻ tình yêu như Chúa. Nhưng, chúng con thường thể hiện tình yêu trong một ranh giới nhất định, chúng con thường đóng khung tình yêu trong một số đối tượng, giới hạn sự chia sẻ và gói gém trong hoàn cảnh… và ranh giới ấy còn bị giới hạn trong muôn vàn lý do khác. Xin Chúa đốt nóng tâm hồn con, khơi mở trái tim con, dạy chúng con biết yêu thương, và đừng uổng phí những năng lực yêu thương mà chúng con đang có. Đặc biệt đối với đời sống cộng đoàn, xin cho chúng con biết quảng đại tha thứ, biết sống bác ái với nhau hơn. Cùng nhau xây đắp một gia đình đích thực trong niềm tin, tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh để chuyển cầu xin ơn hoán cải cho những tín hữu sống xa lìa Chúa và cho lương dân ơn nhận biết Chúa là Đấng cứu độ duy nhất của mọi người. Amen.
Gợi ý thực hành: Tập sống khiêm nhường và tôn trọng kỷ luật chung.
Chiêm Ngắm Chúa Giêsu Trên Thánh Giá Để Học Cách Yêu Thương Tha Nhân
Xin cho chúng con biết chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá với một niềm tin sâu sắc và lòng mến yêu tha thiết để khắc ghi những gì Chúa đã chịu vì chúng con và cùng học với Chúa bài học “yêu thương” hầu giúp chúng con đặt trọn tình yêu nơi Chúa, sống khiêm nhường, nhỏ bé, phục vụ nhau trong tình Chúa yêu.
LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU:
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, quỳ trước Thánh Giá Chúa, trong sự hiện diện thật sự của Chúa trong Thánh Thể nơi nhà Tạm đơn sơ trước mặt chúng con đây. Chúng con xin dâng tâm tình thờ lạy, chúc tụng, yêu mến vì tình yêu lớn lao Chúa đã dành cho chúng con. Chúa đã hy sinh chịu đóng đinh, chịu chết trên cây Thánh Giá để cứu chuộc chúng con. Cũng từ trên Thánh Giá Chúa đã nêu gương và dạy chúng con bài học yêu thương “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”. “di sản thiêng liêng” mà Chúa đã trối lại cho chúng con trước khi đi vào hành trình thương khó. Trên Thánh Giá, Chúa bày tỏ tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và từng người trong chúng con, Thánh Giá còn là cầu nối đưa chúng con với Chúa Cha và cho chúng con sống trong ân sủng của Người.
Giờ đây, xin cho chúng con biết chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá với một niềm tin sâu sắc và lòng mến yêu tha thiết để khắc ghi những gì Chúa đã chịu vì chúng con và cùng học với Chúa bài học “yêu thương” hầu giúp chúng con đặt trọn tình yêu nơi Chúa, sống khiêm nhường, nhỏ bé, phục vụ nhau trong tình Chúa yêu.
Lạy Chúa Thánh Thần là tình yêu, xin thánh hóa chúng con trong giờ suy gẫm này.
Đọc Tin Mừng ( Ga 15, 12-17)
SUY NIỆM :
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”, Đây là những lời tâm huyết, lời nói cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ yêu quý trong bữa tiệc ly trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn.
Thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”, hay nói cách khác tình yêu là bản chất của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Chúa Giêsu thấm đẫm từng bước chân, từng lối đi trên hành trình loan báo Tin Mừng. Lời nói , cử chỉ, hành động của Ngài đều tỏ cho con người biết tình thương của Thiên Chúa, tình thương của người cha nhân hậu; lòng quảng đại của vị mục tử nhân lành dám hiến mạng vì đoàn chiên, gần gũi thiết thân như một người bạn luôn chia sẻ mọi nỗi khó khăn, nhọc nhằn của con người.
“Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4,10). Thế nên, Lời Chúa mạc khải cho chúng ta biết “ân huệ” trước “lệnh truyền”, Thiên Chúa yêu thương ta: đó mới là điều chính, đó mới là điều mà mọi sự khác phải tuỳ thuộc, kể cả khả năng của ta yêu mến Chúa, như thánh Gioan viết: “Chúng ta hãy yêu mến, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Yêu đến nỗi Ngài đã dùng cái chết của Con mình để định nghĩa tình yêu, để chứng minh cho con người về “điều răn mới ” mà Đức Giêsu trối lại cho con người, để con người tiếp tục thực hiện tình yêu ấy cho anh chị em đồng loại. Ngài không chỉ yêu người công chính mà còn yêu cả những người tội lỗi, kẻ phản bội, kẻ chối bỏ Ngài… Ngài đã yêu và cho đi đến giọt máu cuối cùng.
Nhìn ngắm Đức Giêsu trên Thánh Giá, chúng ta thấu hiểu tình thương của Ngài dành cho Chúa Cha và nhân loại.
Nhìn viết thương nơi cạnh sườn, nơi tay chân Người, rồi mỗi chúng ta hãy tưởng nghĩ đến Tôma khi Chúa Giêsu Phục sinh. Ông hồ nghi về lời các môn đệ bạn nói với ông về Chúa “Chúng tôi đã được thấy Chúa”, Chúa Giêsu yêu quý Tôma, không để ông sống mãi trong nỗi hoài nghi – Người hiện ra, Người bảo ông ‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.’ Ông Tôma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’” “ đặt ngón tay vào vết thương ở tay Người và đưa tay vào vết thương cạnh sườn Người” là hành động của một người bạn, người môn đệ thân thiết nơi cuộc gặp gỡ thân mật sau cuộc chia ly kinh hoàn của cái chết. Nhìn thấy và chạm vào vết thương của Chúa Giêsu là nền tảng việc tuyên xưng đức tin của Tôma và mọi Kitô hữu.
Trong thinh lặng của sự chiêm ngắm, mỗi chúng ta hãy hành động như Tôma, sờ tay mình vào lỗ đinh nơi tay, chân và cạnh sườn của Chúa Giêsu, rồi thì thầm nói lời tuyên xưng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Chúng ta tuyên xưng Chúa là Chúa của mình, hãy thực thi lời trăn trối của Người. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”, và một khi sống thân mật với Chúa, đụng chạm vào vết thương của Người, chúng ta cũng sẽ động lòng trước những người anh chị em đang sống quanh mình, họ là hiện thân của Người, họ là anh chị em của chúng ta, không lẽ gì chúng ta không yêu thương họ ?
Mọi thứ nếu đến từ tình yêu, phát xuất từ tình yêu, động lực là tình yêu thì nó luôn vững bền và cao đẹp. Giàu sang mà không có tình yêu là thứ phù hoa; thành công mà thiếu tình yêu thì chỉ như ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt, hành động giúp đỡ ai đó mà chẳng tình yêu sẽ trở nên dư thừa… Ở đâu không có tình yêu ngự trị, nơi đó có tranh chấp, thù hận và dối gian; nơi nào thiếu vắng tình yêu nơi đó in dấu muộn phiền, đổ vỡ, đắng cay… Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi trải nghiệm cuộc đời, đã diễn tả trong từng giai điệu, từng lời ca nốt nhạc “sống trên đời này, chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá của cuộc đời mỗi người”.
Là người nữ tu Mến Thánh Giá, hằng ngày chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu chịu đóng đinh để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Người, đụng chạm đến thương tích của Người qua từng nỗi khổ đau của chính mình, của người thân yêu trong cộng đoàn, nơi gia đình và anh chị em đồng loại… Thân thể của Chúa Giêsu là Giáo Hội đang phải mang nhiều vết thương đau…chúng ta hãy là người xoa dịu, nâng đỡ bằng lời kinh chuyển cầu, bằng những hành động sáng tạo để phục vụ, nhất là bằng đời sống yêu thương vô vị lợi dành cho tất cả mọi người. Yêu thương, quan tâm ủi an giúp đỡ người nghèo dù chỉ là một chén nước lã, dù chỉ là một nụ cười, một ánh mắt cảm thông để tất cả được ủi an, được cảm thông và sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa.
Và một thứ tình yêu “hoàn hảo” mà Chúa Giêsu và Giáo Hội mời gọi người tận hiến tiếp tục thể hiện trong nếp sống cộng đoàn của mình là hãy sống và thực hành lời khuyên của thánh Phaolô “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu…Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1Cr 13, 4.7). và “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18)
LỜI NGUYỆN KẾT :
Lạy Chúa Giêsu “yêu như Chúa yêu”, nói thì dễ nhưng thực hành không dễ. Vì chúng con biết mình rất rõ, biết khoảng cách xa nhất là khoảng cách từ “đầu” đến “tay”, tâm trạng này đã được thánh Phaolô trải nghiệm khi chia sẻ “ Điều tôi muốn thì tôi không làm nhưng điều tôi không thích, thì tôi lại cứ làm”(Rm 7,15). Xin Chúa ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, để chúng con vượt qua những thử thách, cám dỗ của thời đại văn minh, khoa học phát triển, phương tiện sống dồi dào nhưng lại thiếu tình người, thiếu tình yêu, thiếu tình liên đới… Xin Chúa con chúng con đức mến trung kiên để biết yêu Chúa qua tha nhân, biết bênh vực, yêu thương và tôn trọng phẩm giá mọi người nhất là những người yếu đau, bị đẩy ra bên lề xã hội; những người con không ưa, những kẻ ghét con; đừng để con khinh miệt người này kẻ kia, thiên vị kẻ này người nọ… Xin ban cho lòng cậy trông vững vàng, biết phó thác và sống chết cho tình yêu của Chúa để chúng con sống quảng đại, vị tha, biết chia sẻ, biết cho đi, thời gian, công sức …với một tình yêu thương chân thật “yêu như Chúa yêu chúng con”. Amen
BTT/MTG QN